THEOSOPHY Ở 'MIỆT DƯỚI'

Theosophy  ở  'Miệt Dưới'

 

 

'Miệt Dưới' hay Down Under là chữ thân mật để gọi xứ Cà Răng … quên, xứ Kangaroo. Liên Bang Úc châu chỉ mới thành lập hơn 120 năm do vậy rất là non trẻ. Đầu thế kỷ trước, những tiến bộ của khoa học khiến thành phần trí thức tây phương có thắc mắc tâm linh mà tín điều của tôn giáo không cho câu đáp thỏa mãn, vì vậy họ tìm hiểu thêm ở các triết lý khác, và một số cảm thấy Theosophy đáp ứng cho khao khát này. Nói riêng cho nước Úc, nghiên cứu cho thấy TTH tạo ảnh hưởng từ những ngày đầu lập quốc, và về nhiều mặt: chính trị, nghệ thuật, xã hội, v.v.
Ta có thể liệt kê sơ lược các ảnh hưởng như sau:

● Về chính trị, hai thủ tướng đầu tiên của Úc đều là hội viên TTH. Năm 1891 ông Olcott, chánh hội trưởng đầu tiên của hội TTH sang Úc thuyết giảng. Khi đó:
– Ông Edmond Barton, sau này là thủ tướng thứ nhất, chủ toạ buổi giảng của ông Olcott tại Sydney.
– Ông Alfred Deakin, kế đó là thủ tướng thứ hai, chủ toạ buổi giảng của ông Olcott tại Melbourne.
Ông Deakin còn đi nghe bà A. Besant tại Anh, kết thân và liên lạc thư từ với bà. Thư trao đổi của ông hiện vẫn còn lưu trữ tại hội chánh ở Adyar, Ấn Độ, cũng như ông Olcott có viết thư với ông Deakin.

● Về nghệ thuật, sau khi liên bang thành lập và Canberra được chọn làm thủ đô, có nhu cầu xây cất những dinh thự cần thiết cho việc điều hành quốc gia. Kiến trúc sư được giao cho việc vẽ họa đồ thủ đô là ông Walter Burnley Griffin. Ông không là hội viên TTH nhưng có bài viết về thủ đô và họa đồ đăng trong tạp chí TTH lúc bấy giờ tại Úc là Advance Australia. Một bài phê bình của giáo sư trên báo của đại học New South Wales tại Sydney viết rằng:
– Họa đồ thủ đô Canberra bắt nguồn từ sự tin tưởng của ông Griffin về TTH, họa đồ chỉ có thể được giải thích bằng cách tìm hiểu những ảnh hưởng khác nhau tác động lên cách suy nghĩ của ông, đặc biệt là TTH và những ảnh hưởng từ sách vở đương thời về huyền môn. Nhiều nghệ sĩ và kiến trúc sư là hội viên hội Theosophy vào cuối thế kỷ 19, vì triết lý này cho cách nhìn khác thay cho Thiên Chúa giáo.
Họa đồ của Canberra chỉ có thể được thực sự hiểu khi nó được xem như là sự biểu lộ của biểu tượng trong Theosophy và khoa địa lý, và khoa học cổ xưa về sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, và việc tượng trưng điều thiêng liêng qua cách xây cất theo các đường  kinh mạch trong vùng đất theo khoa địa lý.
Đối với giáo sư, mức độ những hiểu biết huyền bí được dùng để soạn đồ hình cho thủ đô Canberra nhiều tới độ ông viết hẳn một cuốn sách về việc ấy. Tình trạng do Covid 19 gây ra khiến việc tìm tên giáo sư và sách bị ngưng, ta sẽ tiếp tục khi tình hình cho phép và sẽ ghi trên PST.
Ảnh hưởng của Theosophy lên hội họa Úc trong thế kỷ trước cũng rõ rệt quá khiến nó thành đề tài cho một luận án tiến sĩ năm 2016 tại Australian University của cô Jenny MacFarlane (luận án có tựa đề A  visionary space Theosophy and an alternative modernism in Australia 1890-1934 , và bạn có thể đọc ở đây trên internet:file:///E:/PST/Blavatsky%20Lodge/McFarlane%20J%20Thesis%202006.pdf
Nói thêm thì Hoa Kỳ và Canada (Calgary Museum - tranh của Lawren Harris) cũng có mở những cuộc triển lãm cho thấy ảnh hưởng này. Năm 2017 tại New York có triển lãm mười chín họa sĩ của thế kỷ trước, trong đó ba người là hội viên hội TTH. Tranh của họa sĩ Hilma af Klint chịu ảnh hưởng TTH sâu đậm được trưng bầy ở The Guggenheim Art Gallery tại New York:
https://www.youtube.com/watch?v=Qt_kTt_dveE
và tại nhiều cuộc triển lãm quốc tế lớn, như vừa mới đây (8-2021) ở Art Gallery of NSW, Úc. Đây là một video khác về Hilma af Klint đáng nghe:
https://www.youtube.com/watch?v=GuslVL7vjKw

● Về xã hội, chuyện rất hào hứng trong thế kỷ trước tại Úc. Ta có một phong trào sôi động chẳng những đòi hỏi nữ quyền, sự công bằng cho dân bản xứ thường bị đối xử bất bình đẳng, mà luôn cả việc giáo dục cho nữ giới hồi đầu thế kỷ 20. Phần lớn những điều này do một nhóm phụ nữ vận động mà đa số là hội viên TTH. Sự kiện khiến có nghiên cứu gia hóm hỉnh đặt tên cho tập biên khảo của mình về hiện tượng này là The Great White Sisterhood (để đối chọi với chữ hay được nghe và dùng là The Great White Brotherhood). Tên này còn thích hợp vì một lý do khác tuy có lẽ không hợp cho lắm vào thời buổi political correctness này, đó là tất cả các phụ nữ hợp lực tranh đấu trong phong trào đều là người da trắng.
Nhưng gác chuyện đó qua bên, điều hội viên hội Theosophy cảm thấy bị thúc giục đòi hỏi có những thay đổi trong xã hội là chuyện đầy hứng khởi. Khi ấy, nước Úc còn lệ thuộc nhiều vào Anh, nên một số nhân vật trong phong trào được tặng thưởng huân chương của Anh quốc do nỗ lực cải thiện xã hội. Một người là bà Edith Cowan là hội viên về sau được lấy tên đặt cho một trường đại học lớn tại Tây Úc, và hình của bà được in trên tiền plastic của Úc.
Úc là một nước bậc trung trên thế giới mà có những ảnh hưởng tích cực rộng rãi như thế của TTH, vậy đối với những nước lớn hơn việc tìm hiểu chắc chắn sẽ mang lại nhiều điều hơn nữa về tác động của Theosophy đối với các nước này.

Nguồn:
Theosophy in Australia, March 2019 - The World of Art and the Theosophical Society p. 21